Vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN
Sau những tác động của dịch Covid-19, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, trong đó ưu tiên kích cầu tiêu dùng nội địa là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp Hà Nội phục hồi sản xuất, kinh doanh. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương về vấn đề này.
- Xin đồng chí cho biết những kết quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?
- Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được đẩy mạnh góp phần thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Ban Chỉ đạo đã ban hành các kế hoạch, hướng dẫn các đơn vị triển khai cuộc vận động gắn với hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng nội địa.
Ban Chỉ đạo các cấp tuyên truyền cuộc vận động đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú, gắn với chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”, “Ngày quyền của người tiêu dùng”... Các chương trình đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng tiếp tục được đẩy mạnh gắn với phát triển thương mại, điểm bán hàng tại địa bàn ngoại thành… Đến nay, hàng Việt Nam trong các siêu thị đã chiếm tỷ lệ từ 80% đến 95%. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, thành phố đã tổ chức thành công các hội chợ nông sản thực phẩm, chuyến bán hàng lưu động… bảo đảm phòng, chống dịch an toàn.
Thông qua cuộc vận động, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, như giảm phí, lệ phí, tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu… Còn các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động chuyển hướng sản xuất mặt hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
- Hà Nội đã triển khai các giải pháp gì để gắn cuộc vận động với kích cầu thị trường nội địa trên địa bàn Thủ đô, thưa đồng chí?
- Các hoạt động như Tháng khuyến mại, Tuần hàng Việt, Tuần hàng nông sản… được thành phố Hà Nội duy trì tổ chức hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp, ngành thành phố đã khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối lớn đưa ra chương trình khuyến mại với mức giảm giá sâu, thu hút đông đảo người dân mua sắm. Thực tế trong tháng 1 và tháng 2-2021, toàn bộ hệ thống phân phối của thành phố liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại kết hợp với bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân.
Ngoài ra, các sở, ngành đã lập kế hoạch tổ chức Tháng khuyến mại tập trung 2021, dự kiến thu hút 1.000-2.000 doanh nghiệp tham gia; đồng thời, nghiên cứu xây dựng các chương trình mua sắm tập trung phù hợp với nhu cầu của người dân đô thị. Với hơn 10 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn, Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn của cả nước. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, thành phố đã triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong giao thương kết nối cung - cầu bền vững.
- Đồng chí có thể nói rõ hơn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới?
- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn chưa thường xuyên, đồng bộ. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng vẫn khó kiểm soát dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng. Đây chính là những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới.
- Từ nay đến hết năm 2021, Ban Chỉ đạo cuộc vận động sẽ triển khai những hoạt động gì, thưa đồng chí?
- Chúng tôi sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền cuộc vận động gắn với thực hiện “nhiệm vụ kép”. Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá, tôn vinh hàng Việt Nam chất lượng cao, nhất là các sản phẩm, dịch vụ được người tiêu dùng yêu thích; tổ chức các chương trình bán hàng; vận động các doanh nghiệp bán hàng lưu động, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, kết nối giao thương, phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp…
Trong bối cảnh dịch bệnh, Ban Chỉ đạo sẽ cùng các sở, ngành triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn, giúp doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng… góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Thanh Hiền
Nguồn: Báo Hànộimới