Trang chủ

Vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN

 

Tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa việc thực hiện CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Ngày đăng 24/02/2021 | 3:17 PM  | View count: 111

Năm 2020, Ban chỉ đạo CVĐ “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” các cấp, các ngành, đoàn thể Thành phố đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kịp thời cùng Thành phố triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn sản xuất cho doanh nghiệp, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; đồng thời, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa, tăng sức mua và doanh thu dịch vụ.  
 

Khai mạc Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2020

 
Xác định công tác tuyên truyền có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động, BCĐ CVĐ Thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, các tổ chức thành viên, BCĐ quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền CVĐ đến cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân; Phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương, Hà Nội, Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố và hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền về: Chương trình bình chọn Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2020; chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Thành phố; chương trình “Ngày quyền của người tiêu dùng Việt Nam”; chương trình Tháng khuyến mại Hà Nội…
 
Thực hiện Chương trình đưa hàng Việt đến người tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thương mại, bình ổn thị trường, Thành phố tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn. Đến nay, Thành phố có 142 siêu thị, 28 trung tâm thương mại, khoảng 1.800 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ đang hoạt động. Đối với phát triển thương mại điện tử, lũy kế đến thời điểm hiện tại, đã có 11.382 website/ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo/đăng ký hoạt động trên địa bàn Thành phố. Liên tục trong 05 năm gần đây, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam.

Để kích cầu nội địa, tăng mức bán lẻ hàng hóa, Thành phố đã tổ chức hội chợ đồ gỗ và trang trí nội thất năm 2020 với 300 gian hàng; Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ với 470 gian hàng; Khai trương 14 điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm theo chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; Tổ chức chương trình Khuyến mại tập trung thành phố Hà Nội; tổ chức lễ phát động chương trình “Hà Nội đêm không ngủ”; Phối hợp với các tỉnh, thành phố, các kênh phân phối, đơn vị liên quan kết nối, tiêu thụ trên 10.000 tấn nông sản thực phẩm dư cung do mùa vụ, dịch Covid làm ảnh hưởng tới thị trường tiêu thụ, xuất khẩu...

Sở Du lịch đã chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp đăng ký xây dựng các gói sản phẩm kích cầu du lịch khuyến mại, giảm giá. Đã có 85 doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển ô tô, đường sắt, hàng không; 21 khách sạn, cơ sở mua sắm; 10 khu du lịch đăng ký tham gia. Tổ chức kết nối với các tỉnh thành trong cả nước để xây dựng sản phẩm phù hợp với tình hình mới phục vụ nhu cầu khách nội địa. LĐLĐ Thành phố, Công đoàn các quận, huyện, thị xã đã đẩy mạnh ký kết với các đơn vị, doanh nghiệp Việt bán hàng, cung cấp dịch vụ giảm giá từ 20-70% cho người lao động.

Các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã duy trì và phát triển các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn; đẩy mạnh quản lý, phát triển mô hình kinh doanh theo hướng văn minh hiện đại tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích. Hiện nay, có trên 1.900 siêu thị, cửa hàng tiện ích, địa điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn phủ khắp Thành phố. Để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục và ứng phó với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Thành phố đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp mở mới 74 địa điểm kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thiết yếu về thực phẩm của người dân.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về cơ chế, ngành Công thương đã đề xuất giảm 37 loại phí, lệ phí thuộc lĩnh vực công thương; tổ chức hội nghị, làm việc tại các địa phương để tháo gỡ khó khăn cho các cụm công nghiệp. Hỗ trợ 15 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới; Tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tại hội nghị đã tổ chức trao trên 200 biên bản ghi nhớ ký kết giữa 50 doanh nghiệp, nhà phân phối với các doanh nghiệp, nhà sản xuất, hợp tác xã; tạo điều kiện, giới thiệu 05 doanh nghiệp Hà Nội tham gia các chương trình kết nối cung - cầu tại thành phố Hồ Chí Minh; giới thiệu 28 địa điểm tại các siêu thị tại Hà Nội đăng ký tổ chức Điểm bán sản phẩm các tỉnh, thành phố từ tháng 9/2020 đến hết Quý I/2021. 

Sở Khoa học và Công nghệ đã tiếp nhận và giải quyết 3.806 hồ sơ TTHC; hướng dẫn góp ý xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho 66 doanh nghiệp; tiếp nhận 558 thông báo về hàng rào kỹ thuật trong thương mại và chuyển tin cảnh báo đến 105 doanh nghiệp. Hỗ trợ 60 doanh nghiệp xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 14.000 và ISO 22.000.

Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai đa kênh hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như Thành phố triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt giai đoạn sau Covid-19: tiếp tục Chương trình kết nối “Ngân hàng - Doanh nghiệp”; đăng tải thông tin, quảng bá sản phẩm, thông tin doanh nghiệp tại website: hotrodoanhnghiep.gov.vn; Tổ chức hội thảo về các Hiệp định thương mại thế hệ mới.

Sở Công thương đã chủ trì thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 103 đơn vị hoạt động trong các lĩnh vực: an toàn thực phẩm, hóa chất, điện lực, kinh doanh theo phương thức đa cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tiết kiệm năng lượng, khuyến mại. Phát hiện, phối hợp xử lý vi phạm hành chính đối với 53 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền phạt hơn 1,156 tỷ đồng.

Ngoài ra, BCĐ CVĐ các quận, huyện, thị xã phối hợp với chính quyền cùng cấp hỗ trợ các doanh nghiệp xác định, lựa chọn địa điểm bán hàng thuận lợi để Nhân dân, người tiêu dùng đến thăm quan, mua sắm. Đôn đốc việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương... 

Năm 2021, BCĐ CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức, tăng cường công tác tuyên truyền CVĐ nhất là trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện nhiệm vụ kép; Đẩy mạnh các hoạt động giới thiệu, quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao đến người tiêu dùng, các hoạt động thương mại, xúc tiến thương mại, bình ổn thị trường; tổ chức các chương trình bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng, vận động các doanh nghiệp triển khai bán hàng lưu động, đưa hàng về các đại lý, tại các vùng xa, phục vụ người tiêu dùng.

Triển khai các hội chợ, chương trình khuyến mại, giảm giá, chương trình kích cầu nội địa, kết nối giao thương, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; Rà soát, triển khai chương trình kết nối giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài vào các thời điểm phù hợp.  Cùng với đó, tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế, nguồn vốn vay cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi giúp các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn Thành phố gắn với thực hiện Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19.
 

Đông Hải

Nguồn: Cổng GTĐT TP

 

 

  dự báo thời tiết

Hà Nội
Đà Nẵng
TP Hồ Chí Minh

  Thăm dò ý kiến

Theo bạn thông tin đăng tải trên cổng thông tin điện tử của đảng bộ đã đầy đủ chưa?