Trang chủ

Đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống

Phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Ngày đăng 31/05/2023 | 10:04 AM  | View count: 166

Phát huy giá trị văn hóa đạo đức của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng được nhấn mạnh ở các nội dung: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân; nguồn lực con người và lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân; tinh thần đại đoàn kết dân tộc gắn bó cộng đồng và đoàn kết quốc tế cao cả; sự khiêm tốn, cần cù, tự giác, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo...

Giá trị văn hóa đạo đức là bộ phận của hệ giá trị văn hóa, biểu hiện ở hành vi đạo đức của con người. Giá trị văn hóa đạo đức là hệ thống chuẩn mực được xã hội thừa nhận và được biểu hiện trong hành vi ứng xử của con người, với tự nhiên, với xã hội (giữa con người với con người). Giá trị văn hóa đạo đức trước hết là một bộ phận của hệ giá trị văn hóa.

Xét ở góc độ giá trị, đây là một hệ thống các giá trị được hình thành và phát triển trong suốt quá trình sinh sống, hoạt động của con người. Đó là, lý tưởng nhân đạo, lối sống nhân đạo; hòa bình, hòa hợp, dân chủ, công bằng; bình đẳng, công lý, nhân quyền, dân quyền; lòng nhân ái, vị tha, tính lương thiện; sáng tạo, tự giác, tự trọng, thận trọng; vẻ đẹp tâm hồn, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường,...

Xét ở góc độ truyền thống, giá trị văn hóa đạo đức là hồn cốt dân tộc, là lương tri, đạo lý, là tuyên ngôn, tiếng nói, chữ viết riêng của một dân tộc; là vẻ đẹp đạo đức của mỗi cá nhân trong tổng thể môi trường chung sống hòa bình, hòa hợp và hạnh phúc của đất nước. Giá trị đó không hòa tan khi hội nhập quốc tế, mà vẫn giữ được cốt cách, hồn cốt truyền thống văn hóa của dân tộc.

Xét ở góc độ lịch sử, là đặc tính dân tộc được hình thành và phát triển trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước cho đến ngày nay. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”(1). Đây là một giá trị văn hóa đạo đức xã hội cao quý xuất phát từ truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Chính vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”(2). Sự nghiệp bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước là động lực to lớn của mỗi người dân Việt Nam, bởi mỗi người dân “đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộc gồm cả gia đình của mỗi đồng bào”(3). Chính vì thế, Đảng ta khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(4).

Trước tình hình mới và trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, giá trị văn hóa đạo đức càng cần được quan tâm bồi dưỡng, giáo dục để phát triển, hội nhập nhưng không hòa tan, không làm mất đi bản sắc, hồn cốt truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì thế, phát huy giá trị văn hóa đạo đức con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần tập trung vào một số vấn đề:

Một là, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân.

Yêu nước là lý tưởng thiêng liêng, lẽ sống cao đẹp, là tình cảm chủ đạo và định hướng giá trị cho hành động và cách ứng xử của con người Việt Nam. Đây là giá trị tiêu biểu hàng đầu trong giá trị văn hóa đạo đức của dân tộc ta.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam cần nhìn nhận từ phương diện giá trị văn hóa đạo đức thì mới thấy hết được lương tri của cả dân tộc trong đó. Chủ nghĩa yêu nước phản ánh truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, là hệ thống quan điểm, tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, yêu mến và gắn bó tha thiết với quê hương; ý chí và hành động của con người Việt Nam đối với đất nước; lòng tự hào, tự tôn dân tộc được hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; biểu hiện ở tình yêu quê hương, xứ sở, sự cống hiến sức lực, trí tuệ, trở thành động lực tinh thần to lớn thúc đẩy mỗi người dân Việt Nam phấn đấu vì sự trường tồn, phồn vinh của đất nước.

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh phải “giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ”(5). Vì vậy, muốn phát huy giá trị văn hóa đạo đức con người Việt Nam cần phải khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống và lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ (Trong ảnh: Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện)_Nguồn: vapa.org.vn

Ngày nay, yêu nước phải gắn với yêu chủ nghĩa xã hội, phải thể hiện ở lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, dù có đi đâu, ở đâu, cũng luôn có tình cảm gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước và đều có tinh thần kiên quyết, sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Giá trị đó không phai mờ, không hề mất đi cùng với thời gian và không bị “hòa tan” trong quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, cần phải bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, niềm tin, ý chí quyết tâm, tình cảm, thôi thúc người dân hành động tự giác, thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng.

Hai là, khơi dậy tối đa nguồn lực con người Việt Nam, nhất là nguồn lực cán bộ, đảng viên.

Để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phải khơi dậy tối đa nguồn lực con người, coi con người là trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, cần phải khơi dậy các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo, quyền làm chủ của nhân dân và phát huy tối đa dân chủ xã hội chủ nghĩa. Theo đó, một mặt, phải đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, để thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác tư tưởng, vừa kịp thời, chính xác, định hướng dư luận xã hội, vừa mang tính thuyết phục cao, giải đáp kịp thời, sáng tỏ và khoa học những vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Tuyệt đối trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nhân dân, quên mình vì quê hương, vì nhân dân, vì đất nước là một trong những giá trị văn hóa đạo đức. Lòng trung thành đó được biểu hiện ở sự giác ngộ sâu sắc và quyết tâm phấn đấu thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, lấy đó làm mục đích hoạt động của mình, suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội; luôn có ý thức cộng đồng, đặt lợi ích của Đảng của Tổ quốc, lên trên lợi ích cá nhân; kiên quyết chống bệnh quan liêu, gia trưởng, cửa quyền, thói kiêu ngạo, ức hiếp quần chúng và cấp dưới; hy sinh lợi ích cá nhân phục vụ cho lợi ích chung; có lối sống “mình vì mọi người”; gương mẫu trước quần chúng. Lòng trung thành đó đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Trung với nước, hiếu với dân”; “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”, phải “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, biết yêu thương con người, có tình cảm quốc tế trong sáng...”(6).

Ba là, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết dân tộc gắn bó cộng đồng và đoàn kết quốc tế cao cả.

Đoàn kết dân tộc gắn bó cộng đồng là một trong những giá trị văn hóa đạo đức Việt Nam, phản ánh bản chất, truyền thống tốt đẹp trong đánh giặc, giữ nước của nhân dân ta, thể hiện thái độ, trách nhiệm của nhân dân trước vận mệnh của đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do... Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn”(7). Chỉ có đoàn kết mới giành được thắng lợi, càng gặp kẻ thù lớn, càng khó khăn, gian khổ bao nhiêu lại càng cần phải đoàn kết chặt chẽ, rộng rãi và vững chắc bấy nhiêu; chỉ có đoàn kết dân tộc mới có sức sống bền vững và trường tồn, đưa đất nước phát triển. Không chỉ đoàn kết dân tộc trong đấu tranh giải phóng đất nước, mà phải đoàn kết trong mọi giai đoạn phát triển của cách mạng, tạo thành khối đại đoàn kết dân tộc vững chắc. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh huấn thị: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà”(8).

Sau hơn 35 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, chính là do khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được phát huy. Nhờ xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nhân dân ta đang vượt qua mọi khó khăn, thách thức, để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, thềm lục địa, bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân và bảo vệ chế độ; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại, Việt Nam luôn là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Một mặt, vừa tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mặt khác, phải kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục.

Bốn là, khơi dậy đức tính khiêm tốn, cần cù, tự giác, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo của nhân dân và khát vọng phát triển đất nước.

Người Việt Nam có truyền thống khiêm tốn, cần cù, tự giác, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, trong chiến đấu và lao động, sản xuất. Giá trị đó luôn được mỗi người dân phát huy trong cuộc sống thường ngày, trong sự nghiệp cách mạng chung, đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân, của tập thể lên trên hết, trước hết; luôn sống “vì mọi người”, vì đồng chí, đồng đội; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ. Đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc càng phải dựa vào lực lượng của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hòa mình trong tập thể, trong xã hội”(9).

Khát vọng chiến thắng_Nguồn: vnexpress.net

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(10). Khát vọng đó càng trở nên mạnh mẽ, cháy bỏng hơn bao giờ hết trên cơ sở đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Mặt khác, trên thế giới, tình hình diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường; trong nước, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”(11). Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, khả thi, nổi bật là tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí tự cường, niềm tin, tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là chủ trương hoàn toàn đúng đắn để phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Để phát huy giá trị văn hóa đạo đức Việt Nam, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 8-5-2021, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị khóa XII, “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng có hiệu quả. Điều đó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của dân tộc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Hành động đúng tôn chỉ, mục đích của Đảng, để khi gặp khó khăn, gian khổ thì không nản chí, lùi bước; khi thuận lợi, thành công vẫn luôn giữ vững tinh thần khiêm tốn, luôn “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. /.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản

 

Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn nămBiển đảo quê hương

Xây dựng Đảng 

Đảng vinh quang - Bác Hồ vĩ đại