Đưa nghị quyết của đảng vào cuộc sống
Sáng 1-7, phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Đơn vị bầu cử số 1 (các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) thành phố Hà Nội diễn ra tại trụ sở HĐND-UBND quận Hai Bà Trưng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, văn hóa là nguồn sống, nguồn động lực phát triển Hà Nội; phải giữ bằng được những di sản văn hóa cha ông để lại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu dự hội nghị.
Tham gia còn có các đại biểu Quốc hội: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Trung tướng - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Nguyễn Quốc Duyệt; Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường.
Dự hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương, Trung tướng - Giám đốc Công an thành phố Nguyễn Hải Trung; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; đại diện sở, ban, ngành; lãnh đạo và đại biểu cử tri 3 quận.
Quang cảnh Hội nghị Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri.
Cử tri đồng tình về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Mở đầu, cử tri đã nghe đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV; đại biểu Nguyễn Phi Thường báo cáo tổng hợp trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri 3 quận trong kỳ tiếp xúc trước.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt thông báo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khoá XV tới cử tri dự hội nghị.
Nêu ý kiến với các đại biểu Quốc hội, cử tri Đơn vị bầu cử số 1 đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, dân chủ, hiệu quả và trách nhiệm cao của các đại biểu Quốc hội và kết quả kỳ họp thứ năm. “Với khối lượng công việc khá lớn, nhưng chỉ trong 23 ngày, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đó thực sự thể hiện trách nhiệm rất cao đối với đất nước, đối với nhân dân”, cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) nói.
Cử tri quận Đống Đa phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Đánh giá chất lượng xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ ngày càng tăng lên, cử tri Nguyễn Hữu Thịnh (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình) đề nghị Quốc hội và Chính phủ quy định chế độ trách nhiệm, chế tài xử lý vi phạm đối với cá nhân, tổ chức trong công tác xây dựng pháp luật; có chế tài xử lý cụ thể theo từng mức độ, hậu quả do việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản sai hoặc không phù hợp, đặc biệt xử nghiêm đối với người đứng đầu.
Cử tri Đơn vị bầu cử số 1 cũng khẳng định, các phiên chất vấn tại kỳ họp có chất lượng tốt. Cử tri Nguyễn Thu Vân (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) nhận xét: “Việc Quốc hội dành 1 buổi để thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là sự đổi mới theo hướng công khai, minh bạch. Chúng tôi rất hoan nghênh điều này”. Ghi nhận kết quả tích cực về giám sát tối cao của Quốc hội, nhưng cử tri cho rằng, hoạt động giám sát chuyên đề còn hạn chế.
Cử tri quận Hai Bà Trưng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Cử tri Hoàng Thanh Hồng (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đánh giá cao kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời đề nghị sớm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc cầm chừng; tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung cấp thuốc chữa bệnh, tình trạng đình trệ trong đăng kiểm xe cơ giới...
Đáng chú ý, cử tri rất đồng tình về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ khi thành lập đoàn kiểm tra toàn diện hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đồng thời đặt câu hỏi, vì sao điện gió, điện tái tạo của mình có lại đi nhập khẩu điện; vì sao các công ty "con" có nhiều tiền gửi ngân hàng mà công ty "mẹ" thua lỗ, nợ nần. Cử tri Vũ Thị Thanh (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) nêu vấn đề: “Tại sao năm nào EVN cũng báo lỗ và tăng giá điện để bù lỗ?”.
Kinh tế tăng trưởng vì cơ cấu dịch vụ tăng mạnh
Thay mặt các đại biểu Quốc hội phát biểu tiếp thu và trao đổi với cử tri Đơn vị bầu cử số 1, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo với Quốc hội và đề nghị các bộ, ngành trung ương và các cơ quan thành phố giải quyết theo thẩm quyền.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị.
Theo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV đúng như cử tri nêu. Dù chỉ làm việc trong 23 ngày, chia làm hai đợt, nhưng Quốc hội đã hoàn thành khối lượng công việc lớn; tiếp tục có nhiều đổi mới thể hiện ở cả công tác xây dựng pháp luật, giám sát, chất vấn...
Nổi bật là việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương; đã tiếp thu hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân, thảo luận, cho ý kiến rất kỹ tại kỳ họp. “Chúng tôi tin rằng, sau khi ban hành, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ đem lại hiệu quả tốt, nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng và phát huy nguồn lực đất đai để phát triển đất nước”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Trao đổi về ý kiến cử tri nêu về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đồng chí Đinh Tiến Dũng khẳng định, sau 1 năm thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã dần được khắc phục; hiện nay, “trên nóng”, dưới cũng đã ấm dần lên.
Hà Nội là địa phương đầu tiên thành lập ban chỉ đạo; trong 1 năm qua đã đưa 54 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi, riêng năm 2023 đã phát sinh bổ sung 27 vụ án, vụ việc vào diện theo dõi. Ban chỉ đạo đã phát huy hiệu quả phối hợp của các cơ quan nội chính, tư pháp, đẩy nhanh tiến độ xử lý, nhất là giải quyết những vấn đề phức tạp như định giá, giám định tài sản. Đồng chí cũng cho biết, Đảng đoàn Quốc hội cũng đang thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư xây dựng đề án phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, việc Hà Nội tập trung thực hiện nhanh Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô không chỉ nhằm cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, sớm hoàn thiện hệ thống hạ tầng khung tạo động lực phát triển mới; mà còn nhằm tiết kiệm, chống lãng phí; vì kinh nghiệm từ thực hiện các dự án đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 cho thấy, làm sớm được ngày nào không những tiết kiệm rất lớn cho ngân sách ngày đó, mà còn ổn định lâu dài đời sống người dân, giữ gìn an ninh trật tự.
Bí thư Thành ủy cũng chia sẻ về kết quả đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của thành phố trong thời gian qua theo tinh thần lãnh đạo của Trung ương; đó là ưu tiên đầu tư vào 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; dự trù có khoảng 90.000 tỷ đồng sẽ được đầu tư vào 3 lĩnh vực này trong giai đoạn tới. Mặc dù mới triển khai, nhưng từ nay đến hết năm 2023, dự kiến sẽ có 1.000 công trình được thực hiện xong.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, nhờ cách làm sáng tạo, dù điều kiện, tình hình khó khăn, nhưng kinh tế Hà Nội vẫn tăng trưởng khá. 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,97% so với cùng kỳ; thu ngân sách đạt 220.000 tỷ đồng, bằng 64,2% dự toán; trong đó, 94% là thu nội địa là nguồn thu từ thuế, phí, từ hoạt động kinh doanh, nên cơ cấu thu rất bền vững.
Quy mô kinh tế Thủ đô đến nay tương đương 50 tỷ USD (cả nước là 409 tỷ USD); cơ cấu kinh tế chuyển dịch rất tích cực theo hướng tăng nhanh về dịch vụ: Năm 2021 dịch vụ chiếm 61%, năm 2022 là 62%, 6 tháng đầu năm đã tăng lên, chiếm 65,8%. Đây chính là nguyên nhân kinh tế Hà Nội tăng trưởng tốt dù hơn 2 năm nay, công nghiệp cơ bản không tăng, thành phố hầu như không cấp thêm dự án bất động sản, nhà ở mới, mà chỉ tập trung tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy các dự án đã có, trong đó xử lý 712 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai.
Phải giữ bằng được những di sản văn hóa cha ông để lại
Phát biểu trao đổi với cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp, các ngành thành phố Hà Nội quán triệt sâu sắc những quan điểm cơ bản này, vận dụng vào thực tiễn để xây dựng Thủ đô xứng đáng là Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người và nhiều danh hiệu khác nữa.
“Đây là Thủ đô văn hóa, nên các đồng chí phải hết sức chú ý vấn đề văn hóa, đi đứng, ăn uống, đối xử với nhau phải bảo đảm văn hóa. Phải giữ bằng được những di sản văn hóa cha ông để lại, rất nhiều công trình và truyền thống quý báu. Đây là nguồn sống, là nguồn động lực phát triển. Bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống đó là trách nhiệm trước hết của thế hệ hôm nay”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố phải cố gắng làm sao xứng đáng là “Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội”, phải có văn hóa, trình độ, đóng góp rất thiết thực, tích cực thực hiện chức năng, nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, cái gì phải thì nhất quyết bảo vệ; cái gì không đúng phải phản đối, phải phê bình, nếu cần phải đấu tranh không nhân nhượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị.
Tổng Bí thư đề nghị mỗi cử tri và người dân Thủ đô cũng phải cố gắng theo tinh thần đó, phải xứng đáng là công dân của Thủ đô văn hiến và anh hùng, hào hoa và thanh lịch, đóng góp nhiều cho Trung ương, trước hết là phát triển Thủ đô.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng tin tưởng và chúc Thủ đô tiếp tục phát triển, mãi mãi là Thủ đô văn hiến và anh hùng.
Nguồn: Báo Hànộimới điện tử