Trang chủ

Tin tức sự kiện

  Tin tức nổi bật

Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh
Ngày đăng 24/10/2024 | 8:42 AM  | View count: 199

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2023, định hướng đến năm 2030, Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu, trong đó có 7 mục tiêu hoàn thành vượt mức; 7/15 mục tiêu đang tiếp tục triển khai thực hiện, trong đó, 1 mục tiêu chưa có hướng dẫn về cách tính và thống kê từ các bộ, ngành.

 

Đối với chính quyền số, Hà Nội đã xây dựng được hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số hiện đại, an toàn đáp ứng các nhiệm vụ về chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh. Đã và đang tiếp tục triển khai mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN) tại các cơ quan nhà nước Thành phố, tích hợp mạng WAN của Thành phố vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ. Kết nối mạng tin học UBND Thành phố với Mạng thông tin điện tử hành chính Chính phủ, liên thông các hệ thống thông tin, ứng dụng phục vụ chỉ đạo, điều hành Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xuyên suốt đến Thành phố. Hiện tại, Thành phố đang triển khai Trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai Chính quyền điện tử theo hướng sử dụng công nghệ hiện đại, có khả năng kết nối, chia sẻ theo quy định.

Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh- Ảnh 1.

Hà Nội đã hoàn thành 8/15 mục tiêu xây dựng thành phố thông minh. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó là phấn đấu 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện theo quy định được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, triển khai trên nhiều phương tiện hiện đại. Hiện tại con số này đang ở mức 46,25%.

Thành phố cũng đã hoàn thành việc triển khai tối đa các hoạt động, chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng ở cả 3 cấp; Triển khai các hệ thống thông tin quan trọng, có tính chất nền tảng cốt lõi nhằm cung cấp số liệu, thông tin phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành phố đến 3 cấp trực thuộc nhằm đảm bảo theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, liên thông, tích hợp với các hệ thống của Trung ương được tiếp tục duy trì, vận hành ổn định, khai thác và sử dụng có hiệu quả, như: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành Thành phố; Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố; Hệ thống quản lý, theo dõi, đôn đốc nhiệm vụ của Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đến các cấp, các ngành trực thuộc Thành phố. Ngày 28/6/2024, Thành phố đã đưa vào vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh.

Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực trong chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh- Ảnh 2.

Hà Nội tiến thêm những bước đi vững chắc trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh

Ngoài ra Hà Nội cũng đã hoàn thành việc có 90% trở lên các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; bảo đảm kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, thống kê tổng hợp về dân số, tài chính, bảo hiểm … theo quy định; chia sẻ dữ liệu cung cấp dịch vụ công; hình thành hệ sinh thái chính quyền số, lấy sự phục vụ người dân và doanh nghiệp là trung tâm thông qua các nền tảng số và dịch vụ dữ liệu mở; cho phép chính quyền, doanh nghiệp và người dân khai thác các nguồn tài nguyên dữ liệu mở để phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại, Thành phố đã hoàn thành 21/22 cơ sở dữ liệu ngành. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành này đã và đang được các sở, ngành thuộc Thành phố duy trì có hiệu quả, triển khai đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của Thành phố và hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương.

Về kinh tế số, Hà Nội đã đặt ra nhiều chỉ tiêu như: Tỷ trọng trong GRDP của Thành phố tới hết 2025 sẽ đạt 30%; Tỷ trọng trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Năng suất lao động hàng năm tăng từ 7% - 7,5%. Đây đều là những mục tiêu cao và rất cần sự nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành.

Về xã hội số, Hà Nội đã hoàn thành các mục tiêu: Dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 97%; Phủ mạng Internet băng rộng cáp quang tới 91,4% hộ gia đình; Trên 80% dân số trưởng thành tại đô thị có tài khoản thanh toán điện tử; 95% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử; 80% các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở; 100% các cơ sở giáo dục tiểu học đến trung học phổ thông hoàn thiện mô hình quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở.

Các mục tiêu khác đang được tích cực triển khai gồm: Dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân; Người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản, làm nền tảng sử dụng dịch vụ số (dịch vụ công trực tuyến; tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám, chữa bệnh từ xa).

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông, trong 9 tháng đầu năm 2024, đơn vị này đã tiếp tục triển khai, duy trì hạ tầng dùng chung của Thành phố bao gồm: Mạng diện rộng của Thành phố (mạng WAN) tại các cơ quan nhà nước Thành phố tích hợp mạng WAN của Thành phố vào mạng truyền số liệu chuyên dùng Chính phủ; Trung tâm dữ liệu nhà nước Hà Nội tại 185 Giảng Võ phục vụ cài đặt, duy trì các hạ tầng thông tin chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố; Hệ thống họp trực tuyến của Thành phố bảo đảm hoạt động ổn định, thông suốt phục vụ các cuộc họp của Thành phố đến cấp xã, kết nối liên thông với Hệ thống Họp trực tuyến của Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện chuyển đổi IPv6 đối với các cơ quan nhà nước trên địa bàn Thành phố đạt tỷ lệ 98,8%. Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai lắp đặt các trạm BTS tại 60 điểm lõm sóng, khu vực sóng yếu để đảm bảo vùng phủ sóng phục vụ công tác chuyển đổi số tại các huyện: Quốc Oai, Gia Lâm, Đan Phượng, Mê Linh. Phối hợp với Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc triển khai hạ tầng viễn thông, mạng 5G đảm bảo hạ tầng, thông tin liên lạc phục vụ cho các doanh nghiệp hiện đang hoạt động trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai xây dựng chính sách hỗ trợ khách hàng, giảm giá máy điện thoại di động 4G, giá cước đối với các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điện thoại thông minh trên địa bàn Thành phố khi triển khai tắt sóng 2G.

Thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các nền tảng số thuộc lĩnh vực bưu chính theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hình thành cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ xây dựng chính quyền số gắn với xây dựng Thành phố thông minh, phục vụ người dân và hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Đồng thời tăng cường quản lý hoạt động của doanh nghiệp bưu chính sau cấp phép.

Thúc đẩy hoạt động cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Thành phố; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 khi gửi tài liệu, vật mang bí mật nhà nước tại các cơ quan Đảng, Nhà nước Thành phố.

Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Viễn thông định hướng, hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông triển khai thương mại mạng di động 5G và băng rộng cố định là nền tảng cho phát triển kinh tế và xã hội số. Phối hợp với Sở Xây dựng triển khai hạ ngầm hệ thống đường dây, cáp viễn thông tại các tuyến phố trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp với Tổng Công ty điện lực thành phố Hà Nội chỉnh trang, bó gọn mạng cáp viễn thông tại các tuyến, ngõ trên địa bàn Thành phố chưa đủ điều kiện triển khai hạ ngầm theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông.