Trang chủ

Thông tin điện tử

Hà Nội tăng cường chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trang tin, mạng xã hội có dấu hiệu “báo hoá”
Ngày đăng 26/07/2023 | 5:17 PM

Ngày 26/7, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về thông tin điện tử 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị

 
Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); đại diện các tổ chức doanh nghiệp/người chịu trách nhiệm quản lý nội dung thông tin trên các trang thông tin điện tử (TTĐT) tổng hợp, mạng xã hội; lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
 
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã được nghe đồng chí Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội thông tin, trao đổi về một số nội dung liên quan đến: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong hoạt động cung cấp thông tin trên mạng Internet; Tình hình hoạt động các trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội trên địa bàn Hà Nội hiện nay; Những kết quả sau 01 năm ban hành bộ Tiêu chí nhận diện “báo hoá” trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội (ban hành kèm theo Quyết định số 1418/QĐ-BTTTT ngày 22/7/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông); Việc tham gia ý kiến đóng góp đối với một số nội dung mới bổ sung trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ…
 
Trưởng phòng Thông tin điện tử Nguyễn Thị Minh Phương trao đổi, giải đáp các ý kiến đại biểu tại Hội nghị
 
Theo đó, 6 tháng đầu năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã cấp mới 13 giấy phép thiết lập trang TTĐT tổng hợp, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến ngày 31/6/2023, Sở đã cấp 739 giấy phép trang TTĐT tổng hợp cho 504 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn. Về mạng xã hội, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp 08 giấy phép cho 06 doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội trên địa bàn Thành phố.
 
Trưởng phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, qua rà soát thực tế, hiện vẫn còn nhiều trang TTĐT tổng hợp chạy theo xu hướng thị trường, chỉ tập trung tổng hợp các thông tin tiêu cực để câu khách; một số trang TTĐT tổng hợp trích dẫn tin, bài không nguyên văn, chính xác tin bài so với bài viết gốc - có dấu hiệu tự sản xuất tin, bài, gây nhầm lẫn với cơ quan báo chí, dẫn đến tình trạng “báo hóa”; tình trạng vi phạm bản quyền báo chí (sử dụng nguồn tin không được sự đồng ý của cơ quan báo chí) trên các trang TTĐT tổng hợp vẫn tồn tại; nhiều trang còn đặt quảng cáo tự động dẫn đến các trang Fanpage quảng cáo thực phẩm chức năng… 
 
Bên cạnh đó, nhiều mạng xã hội đăng tải thông tin như trang TTĐT tổng hợp hoặc báo điện tử, xây dựng các chuyên mục, nội dung, bài viết như cơ quan báo chí; không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định về cung cấp thông tin trên mạng xã hội (không yêu cầu người sử dụng cung cấp đầy đủ thông tin)…
 
Đại diện tổ chức, doanh nghiệp phát biểu ý kiến trao đổi tại Hội nghị
 
Trước thực trạng trên, 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Thông tin điện tử, Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, mời lên làm việc 16 doanh nghiệp hoạt động trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội có dấu hiệu ”báo hoá” trên địa bàn; rà soát 32 trang TTĐT quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng quy định, chuyển Thanh tra Sở xác minh, xử lý theo quy định; Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã xử phạt 16 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền là 352,5 triệu đồng do đã có các hành vi vi phạm trên môi trường mạng; phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam tạm dừng 62 tên miền vi phạm…
 
Đối với các trang tin đã được cấp phép có tên miền trùng, giống, gây hiểu lầm với cơ quan báo chí, Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ để có cơ sở pháp lý xử lý. Đồng thời, Sở cũng kiến nghị Bộ tăng cường chấn chỉnh, kịp thời nhắc nhở, xử lý đối với các tạp chí điện tử hoặc chuyên trang của các báo và tạp chí không thực hiện đúng các quy định trong giấy phép được cấp, đặc biệt là sai về tôn chỉ mục đích.
 
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương ghi nhận các ý kiến trao đổi, chia sẻ hết sức cởi mở, thẳng thắn giữa đại diện các tổ chức, doanh nghiệp với phòng chuyên môn của Sở liên quan đến nhóm nội dung về phương thức quản lý trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội hiện nay (như: thủ tục thay đổi tên miền, việc báo chí khai thác thông tin từ mạng xã hội, việc kiểm soát bình luận sau các tin, bài; quảng cáo xuyên biên giới…) và nhóm nội dung đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
 
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương phát biểu kết luận Hội nghị
 
Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thị Mai Hương, các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội ở đây không phải là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông thông thường mà là hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, một lĩnh vực “đặc biệt” có tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần người dân và xã hội. Cơ quan quản lý nhà nước luôn mong muốn các doanh nghiệp phát triển tốt, đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần hoạt động theo đúng quy định pháp luật, có trách nhiệm với xã hội, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, tạo độ tin cậy với công chúng.     
 
Trước một số những tồn tại, bất cập được phòng chuyên môn của Sở chỉ ra và trao đổi tại Hội nghị như: nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến việc điều chỉnh tên miền trùng lặp với tên cơ quan báo chí; không đặt đường dẫn đến bài viết gốc; trích dẫn các tin, bài của các cơ quan báo chí nhưng chưa có văn bản chấp thuận; tình trạng các trang mạng xã hội sao chép, vi phạm bản quyền trong lĩnh vực báo chí… Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương đề nghị các tổ chức/doanh nghiệp cần tuân thủ quy định pháp luật, có những thay đổi phù hợp trong cách vận hành, làm chủ công nghệ, tránh tình trạng “báo hoá” trang tin, mạng xã hội. Bên cạnh đó, cần đảm bảo tỷ lệ cân đối trong tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và địa phương, tránh tập trung khai thác các tin tiêu cực, mặt trái xã hội...
 
Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi, góp ý đối với hoạt động trang TTĐT tổng hợp, mạng xã hội để công tác quản lý nhà nước được hiệu quả hơn. Đề nghị các tổ chức, doanh nghiệp chủ động việc báo cáo đầy đủ hoạt động trang tin, mạng xã hội của mình, trong trường hợp không tiếp tục hoạt động thì có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông về việc ngừng hoạt động theo quy định.
 

Phạm Linh

  Quy hoạch - Kế hoạch