Phát biểu
tại lễ phát động, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng
Trần Đức Hải chia sẻ, ngay từ đầu nhiệm kỳ, thực hiện chỉ
đạo của Thành phố, hướng dẫn của Sở Thông tin và
Truyền thông về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, chuyển đổi số, huyện đã xác định chuyển đổi số
là xu thế tất yếu, là một giải pháp quan trọng,
cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các
chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã
hội của địa phương theo ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số
và xã hội số. Điều đó đã được cụ thể
hóa bằng Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của
Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công
nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động
của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị
đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Hưởng ứng chủ trương
chuyển đổi số của Chính phủ, của thành phố Hà
Nội, năm 2023 huyện Đan Phượng đã tổ chức chuỗi
các hoạt động tuyên truyền, hưởng ứng về chuyển đổi số,
như: thông tin tuyên truyền thông điệp của Thủ tướng
Chính phủ nhân ngày Chuyển đổi số quốc gia; tổ
chức tập huấn về chuyển đổi số, sử dụng các dịch vụ
chính quyền số; tổ chức tọa đàm trao đổi, nâng cao
các tiêu chí xây dựng mô hình
thôn thông minh...
Đồng thời,
huyện tăng cường tổ chức bồi dưỡng về chuyển đổi số, xây
dựng thành phố thông minh cho cho cán bộ,
công chức, viên chức trên địa bàn huyện nhằm
chuyển đổi nhận thức, tư duy và nhiệm vụ về chuyển đổi số trong
mỗi cơ quan, đơn vị.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải phát biểu tại Lễ phát động
Qua quá trình triển khai, đến nay huyện Đan Phượng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận. Nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số đã có sự chuyển biến rất tích cực. Hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo hoạt động thông suốt giữa các cấp chính quyền; góp phần hiện đại hóa nền hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Các địa phương cũng đã triển khai một số giải pháp để hỗ trợ các hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Một trong những điểm sáng trong xây dựng xã hội số của huyện đó là huyện đã tập trung chỉ đạo và nhân rộng mô hình thôn thông minh trên địa bàn các xã, thị trấn. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi triển khai mô hình, đến nay toàn huyện đã có 16 Tổ công nghệ số xã, thị trấn; 129 Tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên; 100% thôn, cụm dân cư, tổ dân phố đã hình thành mô hình thông minh.
Từ những kết quả đã đạt được, thực hiện Kế hoạch 310/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại các cơ quan nhà nước Thành phố, huyện Đan Phượng tiếp tục xây dựng Kế hoạch triển khai thí điểm chuyển đổi số cấp xã với các tiêu chí được xây dựng trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với mục tiêu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền địa phương. Trong đó, chú trọng, tập trung phát triển công dân số để hình thành xã hội số.
“Việc phát động “Xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã” thể hiện rõ quyết tâm của huyện Đan Phượng trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là dịp để huyện chia sẻ thông tin, dữ liệu về kinh tế - xã hội, cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư, phát triển chuyển đổi số trong các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, thương mại điện tử… Đây là những lĩnh vực mà huyện xác định phải ưu tiên chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số của địa phương. Đồng thời, cũng là dịp để cán bộ công chức, viên chức và người dân trên địa bàn huyện Đan Phượng được tìm hiểu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số - đây được xem là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số diễn ra thành công theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố”, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải phát biểu tại Lễ phát động
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, chuyển đổi số, kinh tế số là công cụ quan trọng để tăng tốc, tạo đột phá, bình ổn và phát triển bền vững cho nền kinh tế. Đây cũng là vấn đề được Hà Nội đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 239/KH-UBND về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cùng với thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, hiện nay chuyển đổi số trên địa bàn Thành phố đang được triển khai đồng bộ trên cả 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) và 1 nền tảng quan trọng là văn hóa số. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội vừa có Quyết định số 605/QĐ-UBND về việc hợp nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ thành Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố. Bên cạnh đó, Thành phố cũng tích hợp các kế hoạch chuyển đổi số vào một kế hoạch, bảo đảm một việc, một đầu mối xuyên suốt.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải cũng chia sẻ, sau 3 tháng triển khai Kế hoạch 310/KH-UBND ngày 20/12/2023 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại các cơ quan Nhà nước Thành phố đã cho thấy kết quả tốt. Đây là tiền đề để Thành phố báo cáo Chính phủ và tiếp tục triển khai nhân rộng ra trên địa bàn Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh, chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; hướng tới bất kỳ người dân, doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận với các dịch vụ công một cách thuận lợi. Phó Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị huyện Đan Phượng hướng tới xây dựng xã thông minh. Hiện nay huyện đã xây dựng thành công mô hình thôn thông minh và có đủ điều kiện, nền tảng để xây dựng xã thông minh.
“Đan Phượng có quyết tâm chính trị rất cao. Tôi tin tưởng giai đoạn tiếp theo, việc xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn huyện sẽ đạt được kết quả tốt. Qua đó góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh, thanh bình, thịnh vượng”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải bày tỏ. Đồng thời nhấn mạnh chuyển đổi số quan trọng nhất là phải thay đổi về tư duy, nhận thức và huy động được các doanh nghiệp, người dân cùng vào cuộc.
Tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải và lãnh đạo huyện Đan Phượng đã tặng 16 chiếc điện thoại thông minh cho 16 Tổ trưởng Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Cũng trong chương trình còn diễn ra hoạt động tham quan mô hình chuyển đổi số; livestream mẫu bán sản phẩm; đào tạo thương mại điện tử livestream, chốt đơn sản phẩm… cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã trên địa bàn huyện Đan Phượng.
Huy Kiên
Phạm Huy Kiên